Bệnh viện hết thuốc chỉ là “chiêu bài” của hãng dược

Ngày đăng 06/08/2014 04:00

Thông tin từ ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TPHCM trong cuộc họp về các vấn đề Y tế do Bộ trưởng Kim Tiến chủ trì (ngày 5/8) đã mở ra một góc nhìn mới về vấn đề “thiếu thuốc điều trị” tại các bệnh viện.  
Dược phẩm là hàng hóa đặc biệt cần phải được quản lý chặt chẽ
TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện đấu thầu thuốc tập trung. Khi bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết: “Một số doanh nghiệp dược thắc mắc khi áp thầu, doanh nghiệp trong nước trúng thầu nhiều hơn, các doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị làm khó”. Trước vấn đề Bộ trưởng nêu, ông Hứa Ngọc Thuận khẳng định: “Thành phố triển khai đấu thầu thuốc tập trung công khai theo luật đấu thầu, không có sự hậu thuẫn cho ngành dược trong nước. Các công ty dược nước ngoài không trúng thầu là do cùng một hoạt chất như nhau nhưng giá thành của họ không hợp lý. Theo quy luật, nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại thì giá thành phải rẻ nhưng thực tế giá thành của họ đang đi ngược lại, việc kêu lên Bộ bị làm khó đó chỉ là ngụy biện”. Ông Thuận cho biết thêm: “Trong quá trình đấu thầu, một số loại thuốc thông thường nhưng doanh nghiệp nước ngoài đưa vào “biệt dược” là ăn gian. Mặt khác, việc bảo hộ cho các doanh nghiệp dược trong nước có giá cả hợp lý cũng là chuyện hiển nhiên bởi chúng ta đang thực hiện theo chỉ thị “người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” của Bộ Chính trị nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển, dần tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, phát triển kinh tế đất nước”. Theo phân tích của ông Thuận, trước khi thực hiện đấu thầu tập trung, các nhóm lợi ích tồn tại và “làm mưa làm gió” đội giá thuốc lên cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thành phố đã phải rất quyết tâm để thực hiện việc đấu thầu tập trung gần 4.000 mặt hàng dược phẩm. Là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện đấu thầu thuốc tập trung. Khi xây dựng kế hoạch, các bệnh viện lúng túng hoặc lảng tránh, trì hoãn việc đấu thầu, hồ sơ làm chậm, không thống nhất,…  
Người bệnh được hưởng lợi từ đấu thầu thuốc tập trung
Người bệnh được hưởng lợi từ đấu thầu thuốc tập trung
Thời điểm chuẩn bị đấu thầu, các doanh nghiệp dược tung thông tin hết thuốc tại một số bệnh viện. “Tôi khẳng định đó chỉ là thông tin ảo, theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp dược, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài nhằm mục đích gây sức ép lên cơ quan quản lý nhà nước. Tất cả các công ty chuyên kinh doanh dược phẩm luôn “lót ổ” trong bệnh viện… Bệnh viện nào báo hết thuốc tôi sẽ chỉ định cho thanh tra kho dược”, ông Thuận cho hay. Thành phố đã làm rất quyết liệt mới thực hiện thành công việc đấu thầu thuốc tập trung. Qua hai đợt đấu thầu đã giúp giảm giá thuốc nhiều mặt hàng, tiết kiệm 2.600 tỷ đồng. “Việc đấu thầu thuốc tập trung, người dân sẽ được hưởng lợi bởi giá thuốc điều trị rẻ hơn trước, chẳng những tiết kiệm cho túi tiền của người bệnh mà còn giúp bà con được chăm sóc y tế tốt hơn”. Kết thúc vấn đề trên, ông Ngọc Thuận cho biết, thành phố đang chuẩn bị tiến tới đấu thầu tập trung mua sắm trang thiết bị y tế. “Đây là cuộc cạnh tranh lớn của các doanh nghiệp, cùng với dược phẩm, một lần nữa chúng tôi tin tưởng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân bằng các trang thiết bị y tế chuẩn về chất lượng, hợp lý về giá thành, tránh tình trạng bao bì Đức nhưng ruột Trung Quốc.” Bên cạnh đó, ông Hứa Ngọc Thuận kiến nghị Bộ Y tế cần sớm phê duyệt và triển khai thống nhất trên cả nước về việc đầu thầu tập trung. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã hoan nghênh những ý tưởng táo bạo và tiên phong trong việc thực hiện của TPHCM. Bộ trưởng khẳng định sẽ xem xét mô hình thành phố đang thực hiện và áp dụng cho các địa phương khác nếu các phương án triển khai thực sự khả quan.

Vân Sơn

theo dantri.com.vn