Ánh Viên và Kim Tuấn không giành HCV, nhưng giá trị của những tấm huy chương mà họ đoạt được có khi còn giá trị hơn màu vàng. Những tấm huy chương ấy giá trị ở chỗ môn cử tạ của Thạch Kim Tuấn hay môn bơi của Nguyễn Thị Ánh Viên là những môn cơ bản, nằm trong hệ thống Olympic, có tính cạnh tranh rất cao.
Thạch Kim Tuấn giành HCB bằng thành tích phá kỷ lục Asiad. Trong môn cử tạ, để nâng mức tổng cử lên 1 – 2kg so với thành tích trước đó đã là vấn đề với các VĐV. Ở đây, Thạch Kim Tuấn hơn xa thành tích trước đó của mình, rồi phá kỷ lục Asiad đủ thấy VĐV của Việt Nam thi đấu tốt đến mức nào.
Riêng chuyện Thạch Kim Tuấn phá kỷ lục rồi nhưng vẫn không thể giành HCV kỳ này vì đơn giản trong số những đối thủ của anh, có người còn hay hơn anh. Cái thua của Thạch Kim Tuấn trước người giành HCV nói chung không đáng tiếc, không đáng tiếc như thất bại trước đó ở môn bắn súng, nếu không muốn nói là nên dành lời khen cho lực sĩ của chúng ta.
So với tấm HCB trong môn cử tạ của Thạch Kim Tuấn, HCĐ của Ánh Viên ở môn bơi thậm chí còn được đánh giá hơn. Đừng nhìn vào màu của tấm huy chương, hãy nhìn vào chi tiết lịch sử đấy là tấm huy chương đầu tiên của bơi Việt Nam ở một kỳ Á vận hội.
Có nghĩa là hàng mấy thập kỷ qua, chúng ta đã không thể thực hiện được điều mà chúng ta vừa làm được, cho đến khi Ánh Viên xuất hiện.
Không có ý đánh giá thấp giá trị của từng môn, nhưng phải thẳng thắn mà nhìn nhận rằng so với nhiều môn khác, nhất là so với các môn nằm ngoài chương trình thi đấu của Olympic, tính cạnh tranh ở các môn cơ bản lớn hơn nhiều.
Chính vì vậy, việc giành huy chương ở các môn này khó hơn, nhiều ý nghĩa hơn, nó cũng giúp tăng vị thế của thể thao Việt Nam, bởi từ nay chúng ta có thể nói rằng chúng ta không chỉ mạnh ở những môn… ít người chơi!
Thay đổi chiến lược đầu tư
Câu chuyện đầu tư trọng điểm hay đầu tư dàn trải là câu chuyện thường xuyên được đề cập trong thời gian gần đây, khi nói về thể thao Việt Nam.
Sở dĩ càng ngày người ta càng nói nhiều về đề tài ấy bởi chúng ta liên tiếp đoạt hàng trăm HCV ở các kỳ SEA Games, nhưng đến Asiad, chúng ta cực khó tìm HCV, đến Olympic, chúng ta hầu như chỉ mong có huy chương nhưng cũng khó như hái sao trên trời.
Về điểm này, thể thao Việt Nam đang thua hàng loạt nước trong khu vực, xếp sau Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore. Những nước vừa nêu, ngoại trừ Thái Lan có thể không bằng ta ở các kỳ SEA Games, nhưng họ vẫn có huy chương Olympic, thậm chí HCV, nhờ biết cách đầu tư trọng điểm vào những môn cơ bản.
Sở dĩ có hiện tượng trên xuất phát từ chỗ chúng ta hầu như chỉ mạnh ở các môn ít người chơi, riêng những môn mang tính đại chúng trên toàn thế giới, những môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic, chúng ta rất yếu.
Những năm 90, khi mới hội nhập trở lại với thể thao khu vực, đúng là chúng ta nên đầu tư vào những môn ít người chơi, ít tính cạnh tranh, hòng kiếm thật nhiều huy chương, thậm chí nhiều HCV ở các giải đấu nhỏ để kích thích phong trào.
Nhưng đó là chuyện của cách nay 20 – 25 năm, không thể đem cái chiến lược, cái kế hoạch của 20 – 25 năm trước vào áp dụng cho thời hiện tại được. Đấy là vấn đề trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì thể thao.
Vị thế của thể thao Việt Nam đã khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế, mặt bằng xã hội cũng đã khác, nên cần có hướng đầu tư khác nhắm đến những đấu trường lớn, mang tầm thế giới. Mà để vươn đến những đấu trường thế giới, cần tập trung vào những môn trọng điểm, trong hệ thống của Olympic.
Chúng ta có giành hàng trăm HCV ở mỗi kỳ SEA Games cũng không ai nói chúng ta mạnh, vì ở SEA Games có nhiều môn mà người ta còn không biết tên, không hiểu luật, nhiều môn thi đấu xong một lần rồi bỏ luôn (lặn, võ gậy, đánh phỏm, một số môn võ…). Rồi hàng trăm HCV ở SEA Games ấy lại không đổi được 1 – 2 HCV ở Asiad, hay kiếm được 1 tấm huy chương ở Olympic thì không muốn nói thể thao Việt Nam đang đi trật hệ thống của thể thao thế giới cũng không được!