“Các cơ sở hành nghề y tế tư nhân đều biết rõ quy định nhưng chưa thực hiện nghiêm túc”

Ngày đăng 05/08/2014 13:05

Sau chuyến “vi hành” thanh kiểm tra đột xuất các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng; khám chữa bệnh tại các cơ sở Y tế tư nhân, ngày 05/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc họp với UBND thành phố.

Bộ trưởng Kim Tiến tại buổi thanh tra công ty Bảo Khang

Báo cáo trước Bộ trưởng, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế tiến hành thanh tra 65 cơ sở hành nghề y tế tư nhân (45 phòng khám, 12 cơ sở thẩm mỹ, 8 bệnh viện) cùng hàng loạt các hoạt động thanh kiểm tra khác tại tuyến quận huyện. Trong số 65 cơ sở được Thanh tra Sở kiểm tra thì cả 65 cơ sở đều bị xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, có 72 cơ sở do thanh tra các quận huyện phát hiện sai phạm chuyển lên.

Thanh tra Sở đã quyết xử phạt hành chính với số tiền gần 2,4 tỷ đồng; tịch thu nhiều mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thuốc quá hạn sử dụng; đình chỉ hoạt động 45 cơ sở, tước giấy phép hoạt động của 5 cơ sở. Những vi phạm chủ yếu của các cơ sở bao gồm: cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không có giấy phép hoạt động; hành nghề không có chứng chỉ; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; quảng cáo không đúng hoặc quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được cấp phép…

Nhằm chấn chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực Y tế tư nhân, ngày 04/8, Bộ trưởng Kim Tiến đã trực tiếp “thị sát” tại Công ty cổ phần Dược phẩm Savipharm (khu chế xuất Tân Thuận, quận 7); công ty Đầu tư TM XNK Bảo Khang (quận Gò Vấp); phòng khám Đa khoa Sài Gòn (quận 10); bệnh viện Thẩm mỹ Á - Âu (quận 1). Ngoài công ty Dược phẩm Savipharm hoạt động tốt, các cơ sở còn lại đều bị Bộ trưởng và thanh tra Bộ Y tế phát hiện nhiều sai phạm.

Không bằng lòng với phương thức quản lý và giám sát của các đơn vị thuộc cấp, tại cuộc họp của ngành Y tế với UBND thành phố, Bộ trưởng Kim Tiến cho hay: “Tháng 7 năm 2013 thanh tra Y tế từng kiểm tra phòng khám Đa khoa Sài Gòn đã phát hiện nhiều điều dưỡng của phòng khám chưa có chứng chỉ hành nghề. Sai phạm trên đã được yêu cầu khắc phục, nhưng thực tế kiểm tra hôm qua (ngày 4/8/2014 - PV) sai phạm trên lại tiếp tục tái diễn. Các cơ sở hành nghề y tế tư nhân đều biết rõ quy định nhưng chưa thực hiện nghiêm túc”.

Giám sát hậu kiểm thiếu trách nhiệm là nguyên nhân khiến sai phạm tái diễn
Giám sát hậu kiểm thiếu trách nhiệm là nguyên nhân khiến sai phạm tái diễn

Bộ trưởng đặt vấn đề: “Tại sao ở TPHCM các hoạt động thanh tra Y tế tư nhân phát hiện sai phạm nhưng vừa xử lý xong lại tái diễn? Trách nhiệm của ngành Y tế và chính quyền địa phương ở đâu? UBND phường và đơn vị quản lý Y tế địa phương nơi có cơ sở bị phát hiện sai phạm phải chịu trách nhiệm quản lý và giám sát, nếu để tái diễn sai phạm cần có hình thức kỷ luật, không thể để tình trạng trên tái diễn trong thời gian tới”.

Trước vấn đề Bộ Trưởng Kim Tiến đặt ra, ông Hứa Ngọc Thuận cam kết tiếp thu đồng thời khẳng định thành phố sẽ chỉ đạo các ban ngành liên quan, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý y tế nói chung và quản lý hành nghề y tế tư nhân nói riêng. Phó chủ tịch thành phố yêu cầu Sở Y tế nghiêm túc chấn chỉnh và siết chặt công tác thanh kiểm tra và hậu kiểm, kiên quyết xử lý những cơ sở sai phạm để ngành y tế phục vụ tốt nhất cho mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Giao Thanh tra Sở Y tế giám sát việc khắc phục sai phạm tại Công ty Bảo Khang

Liên quan đến những sai phạm trong kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng được phát hiện tại công ty TNHH đầu tư TM XNK Bảo Khang, ông Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng phòng Công tác Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã giao trách nhiệm cho Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiếp tục giám sát hậu kiểm, hướng dẫn công ty chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Theo đó, 1.350 cuốn tạp chí quảng cáo thực phẩm chức năng với nội dung gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, công ty đã tiến hành tự tiêu hủy bằng cách cắt vụn từng cuốn trước sự chứng kiến của đoàn thanh tra. Đối với 3 mặt hàng thực phẩm chức năng không có nhãn mác theo đúng quy định, đoàn thanh tra yêu cầu công ty dừng kinh doanh, thực hiện biện pháp khắc phục.

Thực tế khảo sát của Dân trí chiều 05/8, công ty Bảo Khang đã tiến hành thay bảng hiệu, trong đó bỏ chữ “dược” vi phạm nội dung đăng ký giấy phép theo yêu cầu của đoàn thanh tra; Điểm qua các website của công ty này, thuật ngữ “thuốc” dùng để chỉ các mặt hàng thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng đã được "đính chính".

Vân Sơn