Viêm gan, cũng năm bảy đường

Ngày đăng 31/12/1969 00:00

Bớt bia rượu, bớt sợ viêm gan - Ảnh: 33.media.tumblr.com

Cụm từ VGSV tất nhiên đề cập đến nguyên nhân của viêm gan là siêu vi, thường nhất là A, B và C, trong đó viêm gan A thường tự khỏi và không có hậu quả gì. Tuy nhiên, viêm gan còn có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác mà hai nguyên nhân thường gặp bắt buộc người dân nên biết đó là rượu bia và một vài loại thuốc (kể cả thảo dược).

Hai nguyên nhân này có thể gây viêm gan rất nặng, trong thời gian dài và hậu quả cũng gần giống như VGSV. Do đó khi đã có VGSV thì người bệnh nên chủ động tránh hai nguyên nhân vừa nêu để bớt gây thêm tổn thương cho gan.

Đường lây của viêm gan

VGSV A lây qua đường ăn uống nên đúng là rất dễ lây, tuy nhiên lại thường tự hết, không di chứng. Riêng viêm gan B và C có ba đường lây chính được xác nhận là máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Do hiện tượng các thành viên trong cùng gia đình đều bị viêm gan mà hình thành quan niệm VGSV rất dễ lây hoặc thậm chí di truyền.

Người trong cùng một nhà có thể lây cho nhau nếu dùng chung những vật dụng như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, hoặc tình cờ tiếp xúc máu của người bệnh. Một người mẹ cũng có thể truyền bệnh sang cho nhiều người con trong khi chuyển dạ sinh.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là ba đường lây truyền nói trên vẫn có thể phòng ngừa hoặc giảm thiểu nguy cơ lây bệnh được chứ không phải hoàn toàn “bó tay”. Chú ý tránh dùng chung những vật dụng có khả năng dính máu hoặc dùng bao cao su khi quan hệ tình dục là các cách đơn giản, hiệu quả.

Người mẹ bị VGSV không nhất thiết truyền bệnh sang con nếu áp dụng những biện pháp điều trị VGSV cho người mẹ khi có chỉ định và tiêm ngừa đúng thời điểm cho người con sau sinh.

Có thể phòng ngừa biến chứng

Dân gian thường quan niệm phải vàng da vàng mắt, nước tiểu vàng mới là viêm gan. Thật ra đây là triệu chứng của bệnh gan nói chung (và một số bệnh khác) chứ không phải chỉ của VGSV, và bệnh gan không phải lúc nào cũng có các triệu chứng này.

Những bệnh nhân VGSV mãn tính có thể có những triệu chứng khác tinh tế hơn, thường hay bị bỏ qua như dễ mệt mỏi, nhanh đuối sức, ăn uống khó tiêu.

Xơ gan và ung thư gan thường được nhắc đến như là những biến chứng chết người của VGSV, làm cho bệnh nhân và thân nhân lo lắng, sống trong hoang mang. Thật ra đây là những biến chứng có thể xảy ra khi VGSV chuyển sang giai đoạn mãn tính.

Hầu hết VGSV B nhiễm ở trẻ nhỏ và VGSV C đều chuyển thành mãn tính, còn VGSV B nhiễm ở người trưởng thành thì chỉ chuyển sang mãn tính trong 10% trường hợp. Cần nhấn mạnh ở đây là vẫn có thể ngừa được các biến chứng này dù bệnh đã thành mãn tính bằng những phác đồ điều trị thích hợp và được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa nội gan mật.

Thay vì lo lắng, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị phù hợp. Do bệnh nhân VGSV hiện nay khá đông mà bác sĩ chuyên khoa thì ít nên hiện tượng quá tải và tư vấn chưa đầy đủ vẫn còn là điều mà bệnh nhân phải “chịu đựng”.

VGSV B cần được điều trị trong nhiều năm, có khi phải dùng thuốc cả đời. VGSV C lại tùy kiểu di truyền của siêu vi mà đáp ứng điều trị khác nhau, việc điều trị cũng thường tính bằng năm. Nhìn chung, bệnh nhân phải rất kiên trì khi điều trị VGSV.

Thuốc điều trị VGSV có nhiều tác dụng phụ và thay đổi tùy người, do đó bệnh nhân nên đọc kỹ các thông tin của loại thuốc đang dùng và khai bệnh đầy đủ mỗi lần tái khám.

Làm sao phòng ngừa VGSV C khi một trong hai bạn tình bị nhiễm bệnh?

Do VGSV C không thể tiêm ngừa, nhiều cặp vợ chồng bối rối khi một trong hai người bị nhiễm bệnh vì sợ sẽ lây cho người kia. Tuy nguy cơ lây qua đường tình dục không phải bằng 0 trong VGSV C, nguy cơ này lại rất thấp ở những cặp bạn tình duy trì được sự chung thủy. Nhiều bạn tình sẽ làm tăng nguy cơ lây bệnh. Điều này ngược hoàn toàn với VGSV B là bệnh lây rất dữ dội qua đường tình dục.

Do đó, nếu rơi đúng vào trường hợp một trong hai bạn tình bị nhiễm VGSV C thì cách phòng ngừa hiệu quả nhất chính là duy trì sự chung thủy và không cần phải thay đổi gì trong “phương pháp thực hành”.

BS NGUYỄN THÀNH TÂM