Đấy là đội tuyển không hề có huy chương (Olympic nam) hoặc khó vươn đến huy chương (đội bóng đá nữ), nhưng hiệu ứng mà họ tạo ra với người hâm mộ là cực lớn.
Đội tuyển bóng đá nam đến với Asiad trong sự lặng lẽ, nhưng họ kết thúc hành trình theo cách không thể ấn tượng hơn. Thắng Olympic Iran là cú sốc mà cả làng cầu châu Á không ai dám tin trước giờ bóng lăn, ép sân Olympic UAE trong phần lờn thời gian của trận đấu thuộc vòng 1/8 cũng là điều ít người ngờ.
Riêng chuyện đội chơi hay nhưng không thể đi đến cùng đoạn đường mà họ đã đi cơ bản xuất phát từ vấn đề đẳng cấp. Đội tuyển Olympic có tiến bộ cách mấy cũng không thể ngày một ngày hai xóa đi khoảng cách về trình độ quá chênh lệch giữa bóng đá Việt Nam với những nền bóng đá hàng đầu châu Á.
Điều còn quan trọng hơn thành tích nằm ở chỗ đội bóng của HLV Miura đã xóa đi mặc cảm của chính mình, xóa đi quan điểm sai lầm nơi một số người là bóng đá Việt Nam hiện giờ chỉ còn đội U19 là đáng xem.
... và Hà Thanh đều những niềm tự hào của TTVN
Đội tuyển bóng đá nữ cũng phần nào xóa đi sự tự ti về việc chúng ta không thể vượt qua đội nữ Thái Lan ở nhiều giải đấu quốc tế liên tiếp gần đây, bằng cách vượt qua chính đội bóng nữ đến từ đất Chùa Vàng ở vòng tứ kết.
Dĩ nhiên, tính chất của các giải đấu rất khác nhau, đội nữ Thái Lan dự Á vận hội cũng khác so với đội bóng từng đánh bại chúng ta trong trận tranh vé dự VCK World Cup 2015. Nhưng dù gì thì một chiến thắng trước Thái Lan cũng giúp cho đội nữ Việt Nam bớt “sợ mặt” đối thủ này, nếu 2 bên tiếp tục chạm trán trong tương lai.
Rất khó tin vào một phép lạ khi đội bóng của HLV Mai Đức Chung chạm trán với ĐKVĐ thế giới Nhật Bản ở bán kết Asiad, nhưng việc vào đến bán kết giải đấu này cũng đã là thành tích lịch sử với bóng đá nữ Việt Nam.
Ấn tượng từ các môn cơ bản
Nếu để đi tìm những tấm huy chương ấn tượng nhất của TTVN tại Asiad 17, nhiều người sẽ nhắc đến những tấm huy chương của Ánh Viên (bơi), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Hà Thanh (TDDC), cho dù đấy không phải là những tấm HCV.
Không giành được HCV, nhưng các VĐV vừa nêu vẫn được đánh giá là thành công, bởi họ tạo tiếng vang cho thể thao nước nhà ở những cực khó, có tính cạnh tranh cao và thu hút sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông cũng như giới chuyên môn toàn thế giới.
Châu Á là khu vực mà thể dục dụng cụ (TDDC) phát triển mạnh nhất thế giới, Asiad lại là đấu trường mà các cường quốc TDDC như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên luôn cử những VĐV tốt nhất của mình tham dự. Chính vì thế, thành tích của Hà Thanh, cho dù bất kể huy chương của cô màu gì cũng cực kỳ đáng giá.
Thành tích của Thạch Kim Tuấn cũng không cần phải nhắc lại, anh vừa phá kỷ lục Asiad. Anh không thể đoạt HCV đơn giản bởi ở nội dung 56kg mà anh tham dự, còn có VĐV xuất sắc hơn.
Với Nguyễn Thị Ánh Viên, cô giành đến 2 HCĐ tại Á vận hội lần này. Đấy cũng là toàn bộ số huy chương mà bơi Việt Nam từng có được trong lịch sử các lần tham dự Asiad, với những thông số mà vài chục năm nay bơi Việt Nam chưa bao giờ có thể vươn đến được.
Thành công ở các môn trong hệ thống Olympic thường giá trị hơn các môn khác ở chỗ, những môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic không mang tính cảm tính (TDDC được chấm điểm, nhưng trong môn TDDC nhảy không khéo là VĐV ngã gãy cổ chứ chẳng chơi, nên trọng tài muốn thiên vị cũng chẳng được), VĐV hơn kém nhau là hơn kém thông qua những thông số hết sức rõ ràng.
Những thành công ấy khiến người hâm mộ còn tự hào ở chỗ những chiến công mà Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn hay Hà Thanh có được là nhờ thắng lợi rõ rệt về mặt trình độ, chứ không phải bằng những phép chia huy chương nơi hậu cảnh mà chúng ta vẫn hay nghe ở một số môn chấm điểm hoàn toàn dựa vào cảm tính!