Thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ ăn uống đang là vấn nạn của khu vực xảy ra ổ bệnh tiêu chảy cấp. Trực tiếp thị sát hộ gia đình ông Lê Văn Tr (47 tuổi, ông nội bé 10 tháng tử vong) Bộ trưởng Kim Tiến phải lắc đầu trước cảnh giường ngủ của người dân nằm ngay cạnh nhà cầu, bên mép nước ao đã ngả màu xanh lục cũng là nguồn nước đáp ứng phần lớn nhu cầu sinh hoạt của người dân thường ngày như giặt đồ, rửa rau rửa chén....
Sau khi phát hiện ổ bệnh tiêu chảy cấp tại đây, Sở Y tế TPHCM đã đề nghị chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cho các hộ dân trong vùng dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú ý đến việc cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trên thực tế ngoài việc phát hóa chất khử khuẩn và một số cuộc họp với người dân nơi đây để bàn phương án (?!) thì đến nay hàng trăm con người sống trong vùng dịch bệnh vẫn đang trông chờ nguồn nước sạch.
Chưa hết đau đớn trước cái chết của đứa cháu nội, ông Lê Văn Tr. nghẹn ngào kể với Bộ trưởng Kim Tiến: “Cũng vì miếng cơm manh áo nên cả gia đình hơn 10 con người chúng tôi mới phải tá túc ở đây. Bao nhiêu năm nay, gia đình tôi và những hộ dân ở đây phải sống trong điều kiện quá tồi tàn, dù nhiều lần kiến nghị xin cấp nước nhưng chính quyền địa phương không đồng ý”.
Dưới cơn mưa chiều, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, lý giải cho tình trạng trên với Bộ trưởng Kim Tiến, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết: “Các hộ dân trong khu vực xảy ra ổ dịch đều đào ao nuôi cá trê phi, thức ăn cho cá là nội tạng động vật, phân gia cầm nuôi trên bờ xả xuống và nhà cầu được người dân làm ngay trên mặt ao tiêu tiểu thẳng xuống nước để nuôi cá”.
Cũng theo ông Trường, khu vực xảy ra ổ dịch là đất thuộc dự án của nông trường Lê Minh Xuân. Trước đây, người dân thuê khoán đất của nông trường, trong quá trình đó, những người thuê ban đầu chuyển nhượng lại cho người khác thuê. Theo quy định, việc thuê đất chỉ được phục vụ mục đích trồng rừng hoặc sản xuất nông nghiệp, không được xây dựng nhà ở.
Tuy nhiên, do chính quyền cơ sở quản lý không chặt chẽ nên nhiều căn nhà mọc lên, hiện có 69 hộ dân đang định cư bất hợp pháp tại đây. Do không thuộc khu quy hoạch dân cư nên người dân ở đây không được cấp điện, cấp nước, cuộc sống trở nên tạm bợ. Hệ thống điện nước của xóm “ngụ cư” đều mắc nhờ từ những hộ dân sống trong khu vực dân cư gần đường lộ.
Hiện, huyện Bình Chánh đã phê duyệt khu quy hoạch dự án nông trường Lê Minh Xuân, dự kiến trong thời gian tới toàn bộ các hộ dân trong xóm “ngụ cư” đều bị giải tỏa. Hiện chúng tôi đã tiến hành lập hồ sơ bồi thường, khẩn trương xác nhận hồ sơ pháp lý của các hộ liên quan để có phương án phù hợp.
Bộ trưởng Kim Tiến khẳng định: “Nguồn nước không đảm bảo chẳng những gây ra bệnh tiêu chảy cấp mà còn có nguy cơ gây ra nhiều bệnh dịch nguy hiểm khác”. Sau khi thăm cơ sở cấp nước được bơm từ giếng khoan và xử lý bằng các phương pháp truyền thống, Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ để nguồn nước sạch từ thủy cục sớm đến được với người dân trong vùng dịch và các hộ dân ở khu vực vùng sâu của huyện.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan quyết liệt triển khai các biện pháp khoanh vùng xử lý ổ dịch, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan sang các khu vực lân cận; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền vận động để thay đổi cách sống, sinh hoạt của người dân; chú ý chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho các đối tượng được nhà nước hỗ trợ.
Vân Sơn