Dồn đổ thừa bán cho người đến sau
Mới đây, thành viên Little Ng... có chia sẻ trên facebook cá nhân khi tận mắt chứng kiến một quán cơm nổi tiếng ở Hà Nội dồn đồ ăn thừa của khách trước bán cho khách sau.
Thành viên này cho biết: "Tại tiệm cơm V. trên đường Lý Thường Kiệt, đi tít vào trong có một phòng nhỏ ngay sát nhà vệ sinh (ai vào để ý sẽ thấy) có một bác ngồi chút hết đồ ăn thừa vào các âu sạch rồi lại chuyển ra ngoài bán cho khách mới đến. Cái nhà vệ sinh thì bẩn không thể tưởng tượng được. Rất may lúc lộn ra ngoài bạn mình chưa gọi đồ ăn".
Thành viên này cho hay sau khi biết sự việc trên sẽ không bao giờ quay lại quán này ăn nữa.
Với nhiều người đi ăn hàng quán, việc quán cơm, nhà hàng gom, dồn đồ ăn thừa cho khách được cho là rất lạ. Song, với những người làm tại quán cơm, nhà hàng thì chuyện này là phổ biến; ngay cả ở những nhà hàng sang trọng, tình trạng dồn đồ ăn thừa của khách trước bán cho khách sau cũng diễn ra thường xuyên.
Anh Tòng, nhân viên phục vụ bàn tại một nhà hàng trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết, dồn đồ ăn thừa rồi bán lại cho khách được rất nhiều nhà hàng áp dụng để tiết kiệm.
Tháng vừa rồi, nhà hàng anh đang làm được một cơ quan đặt bao trọn gói toàn bộ tầng 3 để đãi khách. Họ gọi toàn những món ngon, đắt tiền. Thậm chí, còn đặt cả món đùi cừu gói giấy bạc nướng (được cho là món hiếm, món đặc biệt của nhà hàng). Song, do gọi quá nhiều món nên đồ ăn thừa ê hề, có món khách mới chỉ đụng đến 1-2 miếng.
Đến lúc dọn bàn, chủ nhà hàng đích thân dặn dò nhân viên làm sạch sẽ, gom tất cả đồ ăn thừa bỏ vào hộp nhựa để cất đi chứ không được bỏ đi một món nào, kể cả những món ăn đơn giản như thịt ba chỉ rang cháy cạnh, hay món cá chiên, thậm chí là cả cà muối, mỗi bàn bát cà chỉ thừa 1-2 quả cũng được gom hết lại.
Hôm sau, toàn bộ số thức ăn thừa của đoàn khách trước được đem ra chế biến lại, bán cho khách mới. "Món đùi cừu hôm trước thừa quá nhiều nên nhà hàng bán cả nửa tuần mà không phải dùng đến đùi cừu mới", anh Tòng cho hay.
Thừa kiểu gì cũng tái chế được
Chị Lê Thị Khuyên - phụ bếp một quán nhậu tại đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy) kể rằng giờ hầu như nhà hàng nào cũng gom đồ ăn thừa để tái chế, bán lại cho khách. Chị khẳng định tất cả các loại đồ ăn thừa được gom lại đều có thể xử lý và bán hết. Ngay ở chỗ chị làm, việc này cũng diễn ra thường xuyên, không một miếng đồ ăn nào bị đổ bỏ.
Theo chị Khuyên, đồ ăn thừa được chia thành hai loại.
Loại một là những món ăn nướng, chiên, rán... , chỉ cần khách ăn thừa có thể dồn lại, nếu ngay sau đó khách gọi sẽ mang ra bán luôn, còn không thì cất vào tủ lạnh, khi nào có khách mới cho vào lò vi sóng hâm lại, đảm bảo đồ ăn bê ra chẳng khác nào đồ ăn mới chế biến, nóng hổi, thơm phức.
Loại thứ hai, các món ăn như thịt lợn luộc, cá rán, gà luộc... khách ăn thừa rất khó dồn lại, bán luôn cho khách. Nhà hàng thường dồn lại, tận dụng để chế biến thành những món ăn mới.
Chẳng hạn, thịt lợn luộc rất dễ bị thâm và khô, nếu bê ra cho khách sẽ phát hiện ra ngay nên chủ quán thường băm nhỏ ra để làm món nem hoặc món trứng đúc thịt. Với cá rán cũng vậy, chúng sẽ được dồn lại để tái chế thành món cá kho. Làm như vậy, tất cả đồ ăn thừa được tái chế khách hàng sẽ không bao giờ phát hiện ra.
Chị Khuyên kể, khoảng 3 năm trước thỉnh thoảng nhân viên còn được đem đồ ăn thừa của khách về nhà, nhưng giờ thì tuyệt đối không. Chủ nhà hàng bắt dồn hết thức ăn thừa lại để tái chế thành món mới.
"Hôm nào mà nhà hàng có khách đặt tiệc, nhất là tiệc liên hoan, kỷ niệm sinh nhật công ty thì cả ngày hôm sau, hầu như nhà hàng không phải nhập thêm nguyên liệu để chế biến món mới nhờ lượng đồ thừa được dồn lại ê hề, chất đầy trong tủ", chị Khuyên cho hay.
Không chỉ gom đồ ăn thừa, Thanh Loan - nhân viên phục vụ bàn tại một nhà hàng trên đường Lê Đức Thọ kéo dài (Mai Dịch, Cầu Giấy) còn tiết lộ, nhà hàng này còn dồn cả hoa quả tráng miệng thừa của khách, kể cả một vài miếng.
Loan kể, hoa quả tráng miệng cũng được chia làm hai loại, một số loại như dưa hấu, dưa lưới vàng hay hoa quả để nguyên quả như quýt, chuối có thể dồn lại bán cho khách luôn. Còn một số loại phải bổ ra như táo, lê, dứa, ổi, bưởi... nếu khách ăn thừa thì dồn lại để làm sinh tố, nước ép cho khách mới.
"Các chủ nhà hàng giờ tính toán rất kỹ, số lượng khách đến nhà hàng ăn giảm đi thì các chủ nhà hàng dùng đủ các chiêu để doanh thu không bị giảm", Loan chia sẻ.
Theo Bảo Hân
VEF