Chiều 29.7, HĐND TP.HCM đã nhất trí thông qua tờ trình về phương án thu lệ phí cấp mới đăng ký kèm theo biển số cho xe ô tô trên địa bàn. Theo đó, nhóm xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, mức thu lệ phí đăng ký đề xuất từ mức đang áp dụng 2 triệu tăng lên 11 triệu đồng/lần/xe.
Đối với các loại xe khác, mức tăng lệ phí đăng ký từ 50.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Cụ thể, sơ-mi rơ-moóc đăng ký rời, rơ-moóc tăng từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng/lần/xe; xe máy giá từ 15 triệu đồng trở xuống mức phí đăng ký tăng từ 500.000-750.000 đồng/lần/xe; xe máy trị giá trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng mức phí đăng ký tăng lên 1,5 triệu đồng (đang áp dụng 1 triệu đồng/lần/xe); xe máy trị giá trên 40 triệu đồng mức phí tăng lên 3 triệu đồng (mức đang áp dụng 2 triệu đồng/lần/xe).
Riêng ô tô (trừ ô tô con dưới 10 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách) mức phí đăng ký không tăng, giữ nguyên mức cũ 150.000 đồng/lần/xe.
Từ 1.9, mức thu lệ phí đăng ký và biển số ô tô 10 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động vận tải kinh doanh hành khách tại TP.HCM sẽ tăng từ 2 triệu lên đến 11 triệu đồng/lần/xe.
Trước đó, trong phần thảo luận, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân lo ngại: “Khi TP.HCM tăng mức phí đăng ký xe, liệu có nhiều người sẽ đăng ký tại các tỉnh lân cận rồi đưa xe lên TP.HCM hay không. Nếu việc này xảy ra, TP sẽ thất thu và sẽ không thể đạt được mục đích giảm ùn tắc”.
Bà Đào Thị Hương Lan - Giám đốc Sở Tài chính - cho biết, mức phí thu này là con số trung bình mức 2-20 triệu mà Thông tư 127 năm 2014 Bộ Tài chính quy định.
Cũng theo bà Lan, mức thu phí đăng ký ô tô dưới 10 chỗ tăng gấp 5 lần hiện nay chỉ mới bằng 50% ở Hà Nội.
Trước đó, trong tờ trình UBND TP.HCM cho rằng các mức phí đề xuất tăng phải căn cứ theo giá trị trung bình giữa mức thu cao nhất và mức thu thấp nhất quy định tại Thông tư 127 của Bộ Tài chính; ngoài ra để khuyến khích các loại xe hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng mức thu phí được áp dụng khung thấp nhất.
Việc tăng mức phí đề xuất được TP cân nhắc phải phù hợp với kinh tế của người dân TP và vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách để trang trải các khoản chi phí có liên quan, đồng thời góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích đối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng.