Thất bại vào phút chót luôn luôn là điều đáng tiếc, thất bại vì tâm lý kém càng đáng tiếc hơn. Nó đáng tiếc ở chỗ, nếu đấy là thất bại về mặt chuyên môn, người ta dễ thấy đối phương hơn mình và tìm cách san lấp khoảng cách về mặt trình độ. Nhưng thất bại vì tâm lý không vững càng khiến cho người ta bực ở chỗ đối phương không hơn mình nhưng họ vẫn thắng.
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Asiad 17 Lâm Quang Thành cũng chỉ kịp thốt lên “đáng tiếc” khi chứng kiến Nguyễn Hoàng Phương mất HCV vào phút chót ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm nam.
Đấy là HCV ngỡ như đã nằm trong tay của xạ thủ Việt Nam, nhưng anh lại bắn hỏng ở viên đạn cuối cùng, vì… run tay.
Trước đó 4 năm, tại Asiad 16 trên đất Quảng Châu (Trung Quốc), xạ thủ nổi tiếng Hoàng Xuân Vinh cũng mất HCV vào phút chót vì bắn kém ở những thời khắc quyết định. Dù so về chuyên môn, Hoàng Xuân Vinh khi đó có thể nhắm đến tấm HCV, đồng thời các đối thủ cũng không hơn anh.
Những thất bại liên tiếp mang tính lặp đi lặp lại cho thấy chuyện các VĐV Việt Nam khi mất HCV ở các đại hội thể thao lớn, tầm Asiad trở lên không đơn thuần là vấn đề rủi ro nữa rồi, bởi vận rủi không thể cứ diễn ra theo một kiểu mãi được.
Đấy nói cho cùng là phạm trù thuộc về đẳng cấp. Hơn nhau ở sự vững vàng về mặt tâm lý trong những thời điểm quyết định cũng chính là đẳng cấp.
Đây là trường hợp mà người ta cũng nói rất nhiều trong bóng đá. Một trong những nguyên nhân mà người ta không bao giờ xếp Thierry Henry (Pháp) ngang hàng với những Messi, Ronaldinho, hay Ronaldo, dù Henry cũng rất tài năng xuất phát từ chỗ tiền đạo người Pháp thường đá kém trong những trận cầu lớn, ở những thời khắc quyết định.
Tỏa sáng ở những giải đấu nhỏ là điều bình thường, bởi nhiều người làm được việc ấy, trong khi để có thể được gọi là VĐV có đẳng cấp hay không, quan trọng nhất VĐV ấy phải biết cách đứng vững ở những sân chơi lớn.
Không đơn giản là chuyện rủi ro
Với những người làm công tác quản lý trong ngành thể thao, có lẽ đã đến lúc chính họ cũng cần thay đổi cách nhìn về những thất bại vào phút chót. Việc quy những thất bại dạng này cho yếu tố rủi ro có lẽ không còn hợp nữa rồi.
Như đã nói ở trên, việc có đủ sức trụ vững trong những thời điểm căng thẳng nhất hay không bây giờ có thể nói là chuyện hay – dở của từng VĐV, từng HLV hẳn hoi.
Thế nên, chúng ta cần có hẳn kế hoạch để cải thiện tâm lý của các VĐV. Ở những nền thể thao tiên tiến trên thế giới, chuyện huấn luyện tâm lý cho VĐV, có chuyên gia tâm lý theo các đội tuyển là chuyện không còn xa lạ. Nhưng với thể thao Việt Nam đấy vẫn vấn đề chưa được giải quyết tốt.
Thêm chuyên gia tâm lý theo đoàn, thậm chí theo từng đội tuyển và từng VĐV có triển vọng nhất có thể sẽ phát sinh thêm kinh phí. Dù vậy, việc có thêm chuyên gia dạng này có tốn kém hơn việc nhiều quan chức theo đoàn mà hầu như không làm gì cụ thể hay không lại là chuyện khác?
Một cách nữa có thể giúp VĐV khắc phục điểm yếu tâm lý là cho họ cọ xát thật nhiều giải đấu quốc tế, làm quen với môi trường thi đấu hiện đại, bởi môi trường, điều kiện cơ sở vật chất ở trong nước và ở các giải đấu quốc tế khác xa nhau, nên khi ra những đấu trường lớn, đứng giữa khung cảnh bề thế của đấu trường quốc tế, VĐV của ta cũng hay bị… ngợp.
Nói chung thể thao Việt Nam cần một kế hoạch dài hơi và cần một cái nhìn khác để thay đổi điểm yếu về mặt tâm lý của các VĐV. Đầu tư cho một hay một vài VĐV có triển vọng vốn rất tốn kém. Nếu như để họ tuột mất HCV ở những thời khắc quyết định vì những lý do vô duyên thì hóa ra sự tốn kém ấy trở thành công cốc hay sao?
Đừng đổ cho việc thiếu may mắn nữa, đừng đổ cho vận rủi, bởi người ta không thể thiếu may mắn theo cách lặp đi lặp lại mãi được!